
Thành lập
Thành lập năm 1995; thành lập lại theo Quyết định số 116/QĐ-HĐQT, ngày 05/7/2016.
Đào tạo
I. Giới thiệu chung
Phù hợp với xu hướng của thế giới kinh doanh hiện đại, chương trình đào tạo Cử nhân QTKD trang bị cho người học hành trang kiến thức và kỹ năng cốt lõi trên chặng đường trở thành nhà lãnh đạo kinh doanh trong bất kỳ ngành nào. Chương trình cung cấp sự hiểu biết rộng rãi về các lĩnh vực quản lý chính như: vận hành, nguồn nhân lực, tiếp thị, tài chính, kế toán, sự bền vững của doanh nghiệp, quản trị chiến lược, sự sáng tạo và đổi mới. Chương trình cũng trang bị cho người học các kỹ năng mềm cần thiết như: tư duy phản biện, lãnh đạo, ra quyết định có trách nhiệm với đạo đức và xã hội, quản lý đổi mới trong bối cảnh toàn cầu hóa… Ngành QTKD của ĐHVL cung cấp cho người học cơ hội lựa chọn nhiều hướng chuyên sâu như Quản trị doanh nghiệp; Quản trị nguồn nhân lực, Quản trị vận hành và Chuỗi cung ứng, Và Hệ thống thông tin quản lý. Ngoài ra, người học còn có thể chọn học thêm các chứng chỉ ngành phụ như Marketing hay Thương mại điện tử.
Điểm mạnh:
- Chương trình đào tạo và tài liệu giảng dạy được cập nhật thường xuyên để bảo đảm tính hội nhập quốc tế và thỏa mãn nhu cầu thực tế của doanh nghiệp.
- Phương pháp giảng dạy lấy sinh viên làm trung tâm, nhấn mạnh kỹ năng thực hành, kỹ năng giao tiếp bằng tiếng Anh, phát huy khả năng tự học và học theo nhóm.
- Đội ngũ giảng viên giàu kinh nghiệm giảng dạy và thực tế.
- Sinh viên có nhiều cơ hội trải nghiệm kinh nghiệm doanh nghiệp trong suốt quá trình học: tham gia các đợt thực tập chính hoặc chương trình quản trị viên tập sự tại doanh nghiệp
- Cơ hội tham gia các chương trình học tập, giao lưu quốc tế, trao đổi sinh viên với các trường ở Mỹ, Úc và châu Âu.
Cơ hội việc làm:
- Theo khảo sát cựu sinh viên khóa 21 của Trường Đại học Văn Lang, 84,5% sinh viên ra trường có việc sau 1 năm, và tỉ lệ trung bình của 5 khóa gần đây là 90%. Mức thu nhập phổ biến là từ 8 – 10 triệu đồng trở lên.
- Sinh viên tốt nghiệp có thể đảm nhiệm công việc ở các lĩnh vực khác nhau tùy theo chuyên ngành đào tạo như:
- Kinh doanh, bán hàng, tư vấn – dịch vụ khách hàng
- Nhân sự – hành chính, tiền lương, tuyển dụng, đào tạo
- Hoạch định, dự án, quản lý chất lượng – sản xuất
- Mua hàng, logistic, quản lý chuỗi cung ứng, quản lý kinh doanh bán lẻ
- Marketing, truyền thông, chăm sóc khách hàng
- Phân tích nghiệp vụ doanh nghiệp, triển khai và tư vấn giải pháp CNTT cho doanh nghiệp
- Khởi nghiệp kinh doanh
II. Định hướng chuyên sâu của Ngành QTKD
2.1. Định hướng chuyên sâu Quản trị doanh nghiệp
Thành lập năm 1995; thành lập lại theo Quyết định số 116/QĐ-HĐQT, ngày 05/7/2016. Chuyên ngành quản trị doanh nghiệp cung cấp cho người học kỹ năng và kiến thức tổng quát về quản trị doanh nghiệp, từ quản lý vận hành, chất lượng, tài chính đến marketing và bán hàng. Sinh viên có thể làm việc trong nhiều lĩnh vực khác nhau và phù hợp với các công ty đòi hỏi kiến thức kỹ năng đa dạng, đặc biệt là các công ty khởi nghiệp. Các vị trí mà sinh viên có thể làm khi tốt nghiệp bao gồm: Nhân viên kinh doanh, bán hàng, marketing; Nhân viên bộ phận chăm sóc/ dịch vụ khách hàng; nhân viên hành chính – nhân sự; nhân viên kế hoạch v.v .
2.2 Định hướng chuyên sâu Quản trị nguồn nhân lực
Chuyên ngành Quản trị Nguồn Nhân lực được thiết kế có tính ứng dụng, thực hành cao thông qua các khối kiến thức tổng quát và chuyên môn sâu như Hành vi Tổ chức, Quản trị Nguồn nhân lực, Tuyển dụng và bố trí Nguồn Nhân lực, Quan hệ Lao động, Quản lý năng lực và đãi ngộ, Đào tạo và phát triển Nguồn Nhân lực … và giảng dạy bởi các giảng viên có học vị cao với nhiều năm kinh nghiệm thực tiễn trong công tác quản trị nguồn nhân lực tại các tổ chức/ tập đoàn trong và ngoài nước. Ngoài ra, người học còn được trang bị khả năng nghiên cứu khoa học để có thể áp dụng nghiên cứu các lĩnh vực của ngành quản trị nguồn nhân lực và có thể tiếp tục theo học ở các bậc học cao hơn.
Do ngành đang phát triển mạnh mẽ cùng với những kỹ năng cũng như các kiến thức đã được trau dồi, sinh viên tốt nghiệp có thể làm việc ngay và trong bất kì tổ chức nào với các vị trí như: Chuyên viên nhân sự tổng hợp, Chuyên viên quản lý đào tạo; Chuyên viên tuyển dụng; Chuyên viên chính sách nhân sự; Chuyên viên lương – đãi ngộ (C&B); Chuyên viên bảo hiểm; Chuyên viên truyền thông hay xử lý quan hệ nội bộ; Tư vấn nhân sự; Săn đầu người (headhunting service) hay Chuyên viên cho thuê nhân lực (HR Outsouring).
2.3. Định hướng chuyên sâu Quản trị vận hành và chuỗi cung ứng
Lĩnh vực chuyên sâu Quản trị Vận hành và Chuỗi cung ứng bao gồm cả các ngành sản xuất và dịch vụ, liên quan đến các chức năng tìm nguồn cung ứng, quản lý nguyên vật liệu, lập kế hoạch hoạt động, phân phối, hậu cần, dự báo nhu cầu, thực hiện đơn hàng, v.v.
Mục tiêu của lĩnh vực này là tìm ra những phương thức phối hợp tối ưu các nguồn lực như con người, công nghệ, nguyên vật liệu, …, để đạt được các kết quả tốt nhất về chất lượng, chi phí, tiến độ với sự đảm bảo các tiêu chuẩn về trách nhiệm xã hội trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Người học tốt nghiệp trong lĩnh vực này có thể đảm nhận các nhiệm vụ chuyên môn trong các phòng ban chức năng như Phòng Kế hoạch, Phòng Đảm bảo Chất lượng, Phòng Cung ứng, Phòng Sản xuất, …, trong các doanh nghiệp sản xuất và dịch vụ cũng như trong các cơ quan, tổ chức xã hội khác nhau trong và ngoài nước.
2.4. Định hướng chuyên sâu Hệ thống thông tin quản lý
Chuyên ngành Hệ thống thông tin quản lý cung cấp cho người học kiến thức và kỹ năng về quản lý và công nghệ thông tin, khoa học dữ liệu. Trong thời đại kỹ thuật số, những lĩnh vực này đang trở nên cực kỳ quan trọng đối với bất kỳ doanh nghiệp nào do đó chuyên viên về phân tích kinh doanh, phân tích dữ liệu đang là các vị trí được săn đón hiện nay. Sinh viên khi tốt nghiệp có thể đảm nhận các vị trí công việc như Phân tích nghiệp vụ doanh nghiệp, Dịch vụ khách hàng, Triển khai giải pháp công nghệ thông tin, Phân tích dữ liệu, Quản lý hệ thống thông tin doanh nghiệp.


